Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Những điều cần biết về chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ

 

 Một nghiên cứu năm 2000 cho thấy, có 6,6% học sinh tiểu học mắc chứng tăng động giảm chú ý, học sinh trung học cơ sở là 4,29%, phổ thông trung học là 2,63%. Bệnh xuất hiện trong mọi tầng lớp xã hội và thường được phát hiện trước 7 tuổi. 70% trẻ vẫn tiếp tục biểu hiện hội chứng này cho đến tuổi trưởng thành.

Hội chứng tăng động, giảm chú ý (Attention  deficit and hyperactive disorder) là một tình trạng bệnh lý thần kinh biểu hiện ở trẻ có mức độ chú ý và hoạt động, xung động không phù hợp với lứa tuổi cũng như mức độ phát triển của trẻ. Trẻ có biểu hiện vận động tăng bất thường đi kèm với phản ứng hung hăng và khả năng chú ý giảm gây trở ngại cho việc học tập. Trẻ không có khả năng tự chủ do đó không thể tự lập kế hoạch, tổ chức cũng như hoàn thành những hoạt động phức tạp. Bệnh thường gặp ở trẻ nam. Điều đáng ngại là hiện nay cộng đồng vẫn còn mù mờ về căn bệnh này.
Nguyên nhân gây bệnh
Yếu tố đột biến gene và di truyền được ghi nhận trên 89% trường hợp bệnh. Các nghiên cứu cho thấy, gia đình có cha/mẹ mang hội chứng này thì 57% con của họ có biểu hiện bệnh. Đối với các cặp sinh đôi thì nguy cơ là 91%. Trẻ có anh chị em mắc bệnh thì nguy cơ bệnh tăng 5-7 lần so với bình thường.
Các nguyên nhân như rối loạn về thính giác, thị giác, phản ứng với thuốc, ngộ độc chì, những bất thường trong thai kỳ (10-15% do hút thuốc lá, uống rượu, may túy…, môi trường độc hại, dioxin cũng góp phần làm tăng nguy cơ ADHD ở trẻ. Các tổn thương sau sinh chiếm 3-5% bao gồm: viêm não, chấn thương sọ não gây tổn thương chất xám thùy trán vỏ não, ngạt, tiếp xúc lâu ngày với các kim loại.
Các yếu tố tâm lý xã hội học được xem như là yếu tố làm nặng thêm tình trạng bệnh bao gồm: lo âu, rối loạn tâm thần, bị xâm hại, lạm dụng tình dục, khó khăn trong việc học tập, gia đình tan vỡ…Người ta còn ghi nhận rằng, trẻ em thường hay bắt chước những hành vi của cha mẹ và bạn bè cũng như những người xung quanh, đặc biệt là những hành vi hung hăng. Điều này thể hiện qua việc những trẻ sống trong hoàn cảnh mà mối quan hệ cha mẹ - con cái không tốt thì nguy cơ mắc hội chứng này tăng gấp 9 lần so với trẻ sống trong môi trường tốt đẹp.
Nếu không được can thiệp đúng mức của bác sĩ chuyên môn, trẻ ngày càng đối đầu với những khó khăn lớn hơn. Khoảng 1/3 trẻ ADHD thiếu tự tin, tự đánh giá thấp bản thân, trầm cảm, trong đó 25% bị suy sụp tinh thần, cảm giác cô đơn (do người lớn luôn chỉ trích, bạn bè thì xa lánh), thôi học, có những rối loạn hành vi… 20-30% trẻ sẽ thuyên giảm triệu chứng ở tuổi thiếu niên. 40% trẻ chịu ảnh hưởng lên khả năng nhận thức, hành vi và các mối quan hệ xung quanh. 30% trẻ dẫn tới  những rối loạn hành vi chống đối ở tuổi thanh thiếu niên. Khi trưởng thành, 20% bệnh nhân có các biểu hiện rối loạn về học tập và những rối loạn tình cảm.
Biểu hiện của bệnh
Trẻ mắc chứng bệnh này thường có một số biểu hiện rõ nét. Tuy nhiên, trẻ chỉ có một hoặc vài triệu chứng trong một giai đoạn nào đó. Điều đáng chú ý là, những trẻ mang bệnh lý này thường thông minh hơn những trẻ bình thường (đánh giá IQ). Chúng đặc biệt nhạy bén, có năng lực sáng tạo và trí tưởng tượng vượt trội, một tinh thần và thể chất không hề mệt mỏi.
Các triệu chứng thường xuất hiện sau tuổi mẫu giáo, nhưng gây bất lợi rõ ràng từ 6 tuổi trở đi, vì đây là lứa tuổi trẻ phải tiếp thu nhiều kiến thức và quá trình này đòi hỏi khả năng chú ý của trẻ.
Các chuyên gia y tế có chia biểu hiện bệnh thành hai giai đoạn khác nhau. Với trẻ 1 tuổi, trẻ hay khóc và khóc rất lâu; cho trẻ ăn khó khăn; trẻ hiếu động và ngủ ít; có hành vi gây hấn như nắm tóc, đấm đá, tấn công người khác; dễ cáu giận.
Với trẻ trên 1 tuổi, các dấu hiệu vận động dễ nhận ra bởi những người xung quanh. Trẻ mắc bệnh thường khó tập trung, dễ xao nhãng bởi những tác động bên ngoài, như tiếng ồn hoặc sự chuyển động. Thường thì những trẻ mắc chứng này đều có mức độ hoạt động không ngừng, lúc nào cũng cựa quậy và rất khó ngồi yên được một lúc lâu. Chúng không chú ý đến một hoạt động cụ thể mà luôn luôn di chuyển sự chú ý sang nhiều hoạt động liên tiếp.
Phần lớn những trẻ này thường tỏ ra bốc đồng và hăng hái. Chúng luôn tìm một việc gì đó để làm mà không cần biết việc chúng đang làm là việc gì và thường làm hỏng việc. Tính bốc đồng của chúng thường đưa đến những hoạt động sai lầm, chẳng hạn như nói dối, ăn cắp, đánh nhau…
Người ta thường dùng từ "vụng về" để chỉ trẻ mắc ADHD bởi chúng gặp trở ngại từ những việc thường ngày như mặc áo, đánh răng, rửa mặt…Gặp khó khăn trong phối hợp động tác thông thường cũng rất hay thấy, làm trẻ chậm tiếp thu và không thể thực hiện được những hành động tự chủ một mình như đi xe đạp, nhảy lò cò, nhảy dây, nhảy cao hoặc kém phát triển các kỹ năng như đá bóng hoặc bắt bóng. Trẻ mắc chứng này còn đặc biệt gặp khó khăn trong việc lưu giữ thông tin, do đó, khi học trẻ  rất nhanh quên.
Đa số trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý thường có biểu hiện ương ngạnh. Chúng thường phản kháng lại sự thay đổi của môi trường xung quanh hoặc của những sự việc mà chúng đã quen thuộc. Và rất miễn cưỡng phải chấp nhận sự thay đổi.
Trẻ bị hội chứng tăng động giảm chú ý thường có khuynh hướng hay gây gổ, sinh sự với người khác. Do đó, chúng sẽ thường xuyên bị hăm dọa hơn những trẻ khác. Để phản ứng lại chúng có thể có hai thái độ: hoặc là tự rút lui, hai là tìm cách gây hấn. Điều này ảnh hưởng tới tính tự tin của trẻ khi chơi chung với bạn bè cùng lứa. Chúng thường tỏ ra thiếu tự tin, ở mức độ nghiêm trọng, chúng sẽ mắc chứng hoang tưởng.
Ở trẻ mắc ADHD, giấc ngủ của chúng hay bị xáo trộn. Những trẻ ngủ say thường bị ác mộng hoặc bị mộng du, trong khi những trẻ khó ngủ thì lại hay giật mình thức giấc. Chúng cũng thường bị rối loạn ăn uống. Trẻ hiếu động sẽ thèm ăn thèm uống nhiều hơn trẻ thường, vì chúng cần rất nhiều năng lượng để hoạt động. Cũng có trẻ ít ăn hoặc rất kén ăn, chỉ có thể ăn được một số thức ăn mà chúng ưa thích. Phần lớn những trẻ bị hội chứng tăng động giảm chú ý thường bị rối loạn thèm ăn ngay từ khi còn bé.
Một nét khá nổi bật trong phần lớn những trẻ bị hội chứng tăng động giảm chú ý là chúng diễn đạt từ ngữ chậm. Những trẻ này phát triển khả năng nói bình thường như những trẻ khác vào những năm đầu, nhưng về sau thì phát triển chậm lại, đặc biệt là trong cấu trúc câu và diễn đạt bằng lời nói, có thể trẻ phát âm rất khó khăn và có trẻ nói lắp.
Điều trị như thế nào?
Nói chung, hành vi tăng động giảm chú ý không phải là lỗi của trẻ, nó thường do những rối loạn sự chú ý và khả năng tự kiềm chế bẩm sinh. Và tiến triển của bệnh có tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường và xã hội. Hơn thế nữa, cha mẹ nên phát hiện sớm những biểu hiện bệnh để trẻ được điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia y tế, đề điều trị bệnh gia đình đóng vai trò thiết yếu. Cha mẹ nên hạn chế hành vi phát hoại của trẻ đến mức có thể, giúp trẻ hiểu được giá trị của bản thân để chúng có thể vượt qua những điều tiêu cực trong cuộc sống. Không nên lạm dụng việc thưởng cho trẻ bằng quà. Sự tự ý thức về bản thân mình xuất phát từ kỷ luật tự giác: xem xét các hậu quả do mỗi hành động gây ra và kiểm soát chúng trước khi làm điều đó.
Để giúp trẻ đạt được sự kỷ luật tự giác, những người chăm sóc trẻ đòi hỏi phải kiên nhẫn và yêu thương. Trước hết phải hiểu rằng để thay đổi những hành vi ngoan cố, bướng bỉnh ở trẻ ADHD là rất khó khăn, bởi vì ta không thể thuyết phục trẻ tự thay đổi hành vi của chúng. Để hướng trẻ, cha mẹ nên lập ra một danh sách những hành vi ưu tiên mà trẻ cần nên tránh không làm, như đánh nhau hay không chịu thức dậy vào buổi sáng. Nếu một vài hành vi mà bạn cảm thấy chấp nhận được, thì hãy cứ để cho trẻ thực hiện, chẳng hạn như trẻ không chịu ăn táo chẳng hạn thì cứ để chúng được toại nguyện.
Bạn cũng nên khen trẻ khi chúng có những hành vi tốt, và thường xuyên can ngăn những hành vi không đúng. Nên có những luật lệ rõ ràng đối với trẻ, tuy nhiên có thể linh động, chẳng hạn như trẻ phải làm bài tập vào buối tối nhưng có thể cho chúng lựa chọn sau khi chơi game hay xem ti vi rồi mới làm. Và cũng nên nhớ rằng, những lời khen có một tác động rất tích cực đối với trẻ, góp phần tạo hiệu quả cho quá trình điều tra.
Nhà trường cũng có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị chứng ADHD ở trẻ. Khi trẻ đến lớp, cha mẹ nên giải thích với giáo viên vì sao sự tập trung và ghi nhớ của trẻ kém hơn những trẻ khác. Và những khoảng thời gian tập trung trên lớp, những biểu hiện cư xử đúng đắn và thích hợp, chẳng hạn như chờ đến lượt mình, chia sẻ đồ chơi, yêu cầu sự giúp đỡ khi bị trêu trọc. Sau đó, trẻ sẽ được thực tập những điều học được. Ngoài ra trẻ sẽ được học cách "đọc" cảm xúc của người khác thông qua biểu hiện trên khuôn mặt, giọng nói, để từ đó trẻ có sự phản kháng đúng đắn
Một số biện pháp giúp cho trẻ ADHD có thể hoàn thành tốt công việc
- Chia nhỏ công việc thành những việc đơn giản hơn. Đặt ra thời gian giới hạn và phần thưởng khi hoàn tất mỗi công việc.
- Mỗi ngày ghi ra những công việc cần phải làm và kế hoạch thực hiện để hoàn tất chúng.
- Làm việc ở những nơi yên tĩnh, tránh xa các nguồn kích thích như âm thanh, tiếng ồn, xe cộ hay người qua lại…
Trong một thời điểm chỉ làm một công việc mà thôi, giữa các công việc nên có những khoảng nghỉ ngắn.
- Viết lại những điều cần nhớ trong quyển sổ tay, viết thông tin khác nhau ở những phần khác nhau như: công việc, cuộc hẹn, số điện thoại. Nên giữ quyển sổ tay này bên mình tất cả mọi lúc.
- Dán những mẩu giấy nhỏ ghi công việc phải làm ở chỗ trẻ có thể nhìn thấy được, chúng sẽ nhắc nhở trẻ.
- Cất giữ những thứ giống nhau cùng một nơi.
- Tạo ra thói quen trong công việc hàng ngày như: lúc nào thì chuẩn bị đi học hoặc làm việc. 
Nguồn: bacsi.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More