Thai phụ cần cân đối chế độ ăn với những thực phẩm phù hợp, đảm bảo các dưỡng chất cần thiết để sinh con khỏe mạnh, thông minh.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Việt Cường, Trưởng khoa sản thường, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), thời kỳ mang thai và hậu sản, nhu cầu muối khoáng, canxi, phốt pho và sắt đặc biệt tăng. Các thức ăn thông thường không cung cấp đủ dinh dưỡng nên sản phụ cần ăn thêm sữa, bơ, trứng, thịt, gan, các loại rau lá xanh đậm, cà chua, rau diếp… Chú ý cân đối bổ sung vitamin, các chất khoáng và các yếu tố vi lượng hợp lý.Nhu cầu các chất dinh dưỡng tăng nhiều trong thời kỳ mang thai. |
Canxi và phốt pho
Canxi giúp chắc xương, tạo răng. Nếu chế độ ăn thiếu canxi, người mẹ bị loãng xương, hư răng, con có thể bị mềm xương sọ, thóp rộng, cơn khóc tím tái do co thắt, có thể bị co giật do hạ canxi. Nhu cầu canxi và phốt pho là 1,5g một ngày, trong thời kỳ hậu sản có thể tăng lên 2g một ngày. Nhu cầu này ở phụ nữ không mang thai là 0,8g một ngày.
Để có đủ canxi, mỗi ngày cần bổ sung 1-2 ly sữa (khoảng 400ml), 100-200g cá, hải sản (nên ăn luôn vỏ, xương), cá hộp, hoặc 50g mè.
Acid folic
Acid folic cần thiết cho sự phát triển bình thường của cơ thể. Khi thiếu acid folic ở phụ nữ có thai dễ gây ra thiếu máu dinh dưỡng đại hồng cầu và gây dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Nhu cầu acid folic ở phụ nữ mang thai cao hơn bình thường, cần 600 µg một ngày.
Acid folic có nhiều trong các loại rau có lá to, bắp cải, măng tây, bông cải xanh và trắng, cam, chuối, cật, trứng... Hiện nay sử dụng viên bổ sung acid folic cho phụ nữ mang thai 400 µg một ngày được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Cần lưu ý phải uống bổ sung sớm ngay khi phát hiện có thai và liên tục đến tuần thứ 12.
Sắt
Sắt rất cần thiết cho cả mẹ lẫn con. Nhu cầu sắt của phụ nữ không mang thai là 15-16mg một ngày, tăng lên 20-30mg một ngày ở phụ nữ mang thai và trong thời kỳ hậu sản.
Thiếu máu dinh dưỡng là bệnh hay gặp ở phụ nữ có thai, đặc biệt là ở những người đẻ dày và ǎn uống thiếu thốn. Bệnh thiếu máu có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ cả mẹ lẫn con. Người mẹ thiếu máu thường mệt mỏi, chóng mặt, khó thở khi gắng sức, khi đẻ có nhiều rủi ro. Tỷ lệ tử vong khi đẻ ở những người mẹ thiếu máu cao hơn hẳn ở bà mẹ bình thường. Thiếu máu cũng thường gây tình trạng đẻ non và tử vong sơ sinh cao. Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh thường là do mẹ bị thiếu sắt nên lượng sắt dự trữ của cơ thể trẻ thấp.
Sắt có nguồn gốc động vật dễ hấp thu hơn sắt có nguồn gốc thực vật. Các thức ǎn có nhiều chất sắt là các loại thịt có màu đỏ như thịt bò, phủ tạng như tim, gan, cật..., các loại đậu, các loại rau xanh như rau ngót, rau dền, rau khoai, rau bí, các loại đậu, mè... Một số thực phẩm chế biến sẵn được tăng cường sắt như bột dinh dưỡng, bột mì, nước mắm, mì tôm cũng là nguồn cung cấp sắt quan trọng trong phòng chống thiếu máu.
Ngay từ khi bắt đầu có thai, tất cả các bà mẹ nên uống viên sắt. Với loại viên có hàm lượng là 60mg sắt nguyên tố, mỗi ngày uống một viên giữa bữa ăn hoặc trước khi ngủ, không uống kèm với sữa, nước trà, cà phê. Uống liên tục trong suốt thời kỳ có thai đến một tháng sau khi sinh.
Để tǎng quá trình chuyển hoá và hấp thu sắt, cần tǎng cường vitamin C, do đó cần ǎn đủ rau xanh và quả chín.
Vitamin A
Cơ thể mẹ cần có một lượng vitamin A dự trữ đủ để cung cấp cho con và tăng sức đề kháng cho mẹ. Nhu cầu vitamin A của phụ nữ mang thai cao hơn so với bình thường, 800 µg một ngày. Tuy nhiên nếu phụ nữ mang thai tiêu thụ quá nhiều vitamin A có thể gây quái thai.
Vitamin A có nhiều trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật như gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, thịt… rau quả có màu xanh, màu vàng, đỏ.
Vitamin D
Vitamin D cần thiết cho sự hấp thu canxi và phốt pho, góp phần cấu tạo xương. Thiếu vitamin D sẽ dẫn tới nhuyễn xương, co giật do hạ canxi máu, loãng xương.
Nguồn cung cấp vitamin D quan trọng cho cơ thể là do sự tổng hợp trong da dưới tác dụng của của ánh sáng mặt trời. Thực phẩm có nguồn gốc động vật giàu vitamin D là gan, cá, trứng, bơ, sữa, các loại cá béo.
Vitamin B1
Nhu cầu vitamin B1 ở phụ nữ mang thai cần cung cấp đủ để phòng tránh bệnh tê phù. Nhu cầu này sẽ được đáp ứng khi sử dụng gạo không xay xát trắng quá, chế độ ăn nhiều hạt họ đậu. Những thực phẩm thiếu vitamin B1 là các loại đã qua chế biến ví dụ như gạo xát quá trắng, các loại ngũ cốc, dầu mỡ tinh chế và rượu. Thực phẩm giàu vitamin B1 là thịt lợn, các loại hạt đậu, rau, các loại sản phẩm từ nấm mốc, men, một số loài cá.
Iốt
Iốt có vai trò rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu iốt là ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Phụ nữ mang thai thiếu iốt có nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh non, trẻ sinh ra sẽ bị chậm phát triển trí tuệ do tổn thương não, cân nặng sơ sinh thấp, ngoài ra dễ bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay chân, nói ngọng, điếc, câm, lé. Thiếu iốt dẫn đến tăng tỷ lệ tử vong chu sinh.
Thực phẩm giàu iốt là cá biển, rong biển. Sử dụng muối ăn có bổ sung iốt là giải pháp chính để phòng chống các rối loạn do thiếu hụt iốt. Nhu cầu iốt ở phụ nữ mang thai cần cao hơn bình thường, 200 µg một ngày.
Nguồn: vnexpress.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét