Câu hỏi của một người sắp sửa làm mẹ, tốt nghiệp đại học, chịu khó đến
tham dự buổi nói chuyện vào 4 giờ chiều hình như đã khiến giáo sư Ngô
Bảo Châu xúc động.
Có lẽ ông hiểu giữa bộn bề ngổn ngang của
cuộc sống hôm nay, mối bận tâm lớn nhất của các bậc làm cha mẹ vẫn là
đứa con của họ sẽ lớn lên thành một con người như thế nào chứ không phải
là một người giàu có như thế nào, có chức vị lớn đến thế nào.
Thế nên ông đã chậm rãi trả lời câu hỏi ấy, đại ý: ông vốn không thích
bị ai dạy dỗ theo một khuôn phép nào đó, càng không thể đưa ra những bài
học của riêng mình cho ai.
Tuy nhiên, ông sẵn sàng chia sẻ với
bà mẹ tương lai và mọi người đang nghe ông, rằng đến tận bây giờ trí óc
ông vẫn in sâu những lời mẹ dặn từ tấm bé về phận làm người. Lời dặn ấy
không nhiều, chỉ vỏn vẹn ba điều “trung thực - dũng cảm và trái tim
rộng mở”.
Trung thực được đặt lên hàng đầu vì đó có lẽ là cái
gốc của mọi sự trong cuộc đời của một con người. Đã từng có một tổng kết
được rất nhiều người chia sẻ: Thực học mới thực làm, chỉ có thể làm
thực mới có thể sống thực, tất cả bắt đầu từ thực học.
Trung
thực với thực lực trí tuệ của mình, với tình cảm của mình; trung thực
với thành tựu của người khác cho dù những thành tựu ấy có thể sẽ làm cho
bản thân mình bị lu mờ đi và quyền lợi của mình vì thế sẽ bị ảnh hưởng.
Gọi đúng tên của sự vật, hiện tượng mới có thể đặt đúng con người và
công việc vào vị trí của nó.
Giá trị sự trung thực của mỗi
người vì thế mà đem lại giá trị chung bền vững của cả xã hội. Trong sự
trung thực đã đành có bao hàm cả dũng cảm (vì dám trung thực phủ nhận
mình cũng đã là dũng cảm rồi).
Tuy nhiên, dũng cảm trong lời mẹ
dặn làm người còn có chiều kích cao hơn thế. Đó là không chỉ dừng ở sự
trung thực, dũng cảm còn là sự dấn thân đến cùng để bảo vệ một chân lý,
để đưa ra ánh sáng công lý một điều bẩn thỉu, xấu xa nhằm góp phần làm
cho cuộc đời công bằng hơn, tốt đẹp hơn.
Dũng cảm đã làm nên
thái độ của hàng triệu người kiên quyết bác bỏ những luận điệu xảo trá
xâm phạm chủ quyền đất nước trên bộ và trên biển. Sự dũng cảm, gần đây
nhất, đã đưa đến hành động của tập thể những người phanh phui vụ nhân
bản xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức, Hà Nội.
Thế còn trái tim
rộng mở, lời dặn thứ ba ấy của mẹ có ý nghĩa đến thế nào khiến giáo sư
Ngô Bảo Châu mang theo suốt bên mình từ tấm bé?
Phải chăng vì
con người về bản chất là luôn cần đến tình yêu và sự quan tâm để có thể
đương đầu với những bất trắc luôn có thể hiện ra bất cứ lúc nào trong
cuộc đời.
Một đứa trẻ từ nhỏ luôn được chứng kiến vòng tay rộng
mở của cha mẹ dành cho những phụ nữ mang thai không người thân thích,
những tù nhân mới được trả tự do chưa biết phải bắt đầu hòa nhập cộng
đồng như thế nào, những người tàn tật không có cơ hội kiếm sống...
Những đứa trẻ như thế lớn lên khó mà trở thành người ích kỷ, tham lam,
độc ác, dám chà đạp lên sự công bằng xã hội. Khó mà trở thành những
người cho phép mình hưởng một mức lương cao ngất ngưởng từ tiền thuế của
nhân dân, khoảng cách trời vực với thu nhập của người lao động dưới
quyền.
Ngày khai trường tới, sực nhớ tới câu hỏi “dạy gì cho
một đứa trẻ?” khi nó sắp bước vào ngôi trường mà ở đó tưởng như mọi bài
học đều có giá trị như nhau: học chữ và học làm người.
Mọi bài
học đúng là đều có giá trị như nhau. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, trong
bối cảnh các giá trị sống trong xã hội của chúng ta đang bị đảo lộn đến
đau lòng thì không thể quay lưng trước ý kiến cho rằng đó là hệ quả của
việc chỉ quan tâm đến dạy chữ mà thiếu quan tâm đến giáo dục đạo đức
trong một thời gian dài từ gia đình đến nhà trường, xã hội.
Nói
một cách sách vở thì giáo dục đạo đức là dạy cho con người biết sống có
kỹ năng cùng với biết tôn trọng, biết quan tâm người khác, biết cách
trở thành công dân có ích cho cộng đồng, xã hội.
Còn nói một
cách cuộc đời thì dạy một đứa trẻ là dạy về sự công bằng bắt đầu từ
trung thực, dũng cảm và rộng mở trái tim mình. Xã hội chỉ có thể lành
mạnh khi người ta xây dựng mối quan hệ dựa trên sự quan tâm và công
bằng. Khi được đối xử bằng sự quan tâm và tình cảm, trẻ em hôm nay và
người lớn ngày mai sẽ cảm nhận được sự công bằng - giá trị cốt lõi của
một xã hội văn minh.
Và điều đó phải chăng cần được dạy thật thấu đáo từ trong mỗi gia đình, mỗi ngôi trường và rộng ra toàn xã hội.
NGUYỄN THẾ THANH
(Báo Tuổi Trẻ)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét